Công việc của kế toán là gì? Tất tần tật những thông tin về nghề kế toán

Công việc của kế toán là gì? Tất tần tật những thông tin về nghề kế toán

Kế toán là một nghề mà nhiều người quan tâm vì nó là một trong những vị trí cần thiết trong tất cả các doanh nghiệp. Nếu như bạn đang tìm hiểu về nghề kế toán cùng công việc của nghề kế toán là gì và tất tần tật những thông tin khác về nghề kế toán thì không nên bỏ qua bài viết sau đây.

I. Nghề kế toán là gì? Những tố chất cần có của một người kế toán

Nói một cách dễ hiểu thì kế toán là nghề thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về sự vận động của tài sản và toàn bộ tài sản trong doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động và đưa ra các quyết định cũng như các định hướng cho doanh nghiệp.

Nghề kế toán cần phải trải qua quá trình rèn luyện gian khổ, nỗ lực hết mình để có thể trở thành một kế toán viên xuất sắc. Hơn hết, một người kế toán sẽ cần phải có những đức tính như trung thực, chăm chỉ, tỉ mỉ, cẩn thận và khách quan. Ngoài ra, muốn phát triển hơn nữa trên con đường sự nghiệp kế toán thì bạn còn cần phải rèn luyện thêm khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp và nắm vững được những kỹ năng cần thiết như kỹ năng tin học, kỹ năng ngoại ngữ.

Kế toán là một bộ phận quan trọng trong công ty
Kế toán là một bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp

II. Công việc của kế toán

Ở những vị trí, cấp bậc khác nhau người kế toán sẽ đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau. Nhưng nhìn chung công việc của một kế toán viên bao gồm những hoạt động sau đây:

  • Ghi chép các hoạt động tài chính.
  • Kiểm tra sổ sách kế toán.
  • Lập chứng từ về tất cả các hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
  • Xử lý các dữ liệu kế toán để lập báo cáo tài chính về tình hình hoạt động của doanh nghiệp lên cho ban lãnh đạo và nộp về cho cơ quan thuế.
  • Phân tích tình hình tài chính, chi phí, ngân sách, doanh thu của công ty và sau đó tham mưu cho ban lãnh đạo.
Công việc của một kế toán
Công việc của một kế toán

Tuy nhiên, cũng tùy vào các thời điểm và công việc của các vị trí khác nhau mà công việc của kế toán tổng hợp, kế toán nội bộ, kế toán thuế hay những vị trí kế toán khác mà sẽ có phần việc khác biệt.

1. Công việc hàng ngày

Hàng ngày, một người kế toán tùy theo vị trí sẽ có phải làm những công việc như:

  • Thu thập tất cả các hóa đơn đầu vào, đầu ra phát sinh của doanh nghiệp.
  • Sắp xếp, lưu giữ chứng từ một cách cẩn thận và khoa học.
  • Kiểm tra tính hợp lệ và hợp lý của hóa đơn như: Tên công ty, địa chỉ, mã số thuế, số tiền…
  • Hạch toán và kiểm tra hóa đơn, chứng từ vào phần mềm kế toán;
  • Làm các công việc khác theo yêu cầu của Giám đốc, kế toán trưởng…

2. Công việc phải làm hàng tháng

Lập tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo tháng của doanh nghiệp và kiểm tra, đối chiếu với hóa đơn nhận được của tháng đó trước khi nộp cơ quan thuế:

  • Lập tờ khai thuế TNCN (DN kê khai thuế GTGT theo tháng và có số thuế TNCN phải nộp);
  • Lập tờ khai các loại thuế khác (Nếu có);
  • Tính khấu hao TSCĐ và phân bổ CCDC;
  • Tính lương cho NLĐ và các khoản trích theo lương;
  • Xuất kho, tính giá xuất kho và lập bảng tính giá thành;
  • Đối chiếu công nợ khách hàng, nhà cung cấp, các khoản tạm ứng cho nhân viên;
  • Nộp tiền BHXH và tiền thuế (Nếu có phát sinh);
  • Lập Báo cáo Quản trị và Báo cáo tài chính theo tháng (Ban Giám đốc yêu cầu);

3. Công việc phải làm hàng Quý

  • Lập tờ khai thuế GTGT theo Quý (Nếu DN kê khai thuế GTGT theo Quý);
  • Lập tờ khai thuế TNCN (Nếu DN kê khai theo quý và có phát sinh thuế TNCN phải nộp);
  • Lập Báo cáo THSD hóa đơn;
  • Tạm tính và nộp thuế TNDN và thuế TNCN (Nếu có phát sinh);
  • Lập Báo cáo Quản trị và Báo cáo tài chính theo Quý (Ban Giám đốc yêu cầu);

4. Công việc kế toán phải làm cuối năm

  • Lập Báo cáo thuế cho tháng cuối năm hoặc Quý IV: Tờ khai thuế GTGT; Báo cáo tình hình sử dụng HD; Tờ khai thuế TNCN (Nếu có);
  • Kiểm kê Quỹ, Hàng tồn kho và biên bản đối chiếu công nợ;
  • Lập tờ khai quyết toán thuế TNDN và thuế TNCN theo năm;
  • Đối chiếu sổ sách và lập BCTC năm: Bảng cân đối kế toán, Kết quả hoạt động kinh doanh; Cân đôi TK (DN dùng TT133/2016/TT-BTC) hoặc Lưu chuyển tiền tệ (DN dùng TT200/2014/TT-BTC);
  • In sổ sách, chứng từ và trình ký;
  • Nộp thuế TNDN và thuế TNCN (Nếu có phát sinh).

III. Các cấp bậc trong nghề kế toán

Lộ trình thăng tiến thông thường của một nhân viên kế toán sẽ trải qua những cấp bậc và những mức lương trung bình tương ứng sau đây:

  • Kế toán viên ($300 – $600): đây là vị trí mà những bạn học kế toán vừa ra trường sẽ ứng tuyển vào các bộ phận kế toán tại các doanh nghiệp và công ty. Cũng vì đây là vị trí dành cho người mới ra trường nên gần như sẽ còn thiếu trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm. Công việc mà vị trí này đảm nhận sẽ là một mảng nhất định trong công việc của kế toán như kế toán thanh toán, kế toán kho. Để nâng cao trình độ cũng như bổ trợ thêm kiến thức cho công việc thì bạn có thể học thêm một số khóa nghiệp vụ kế toán.
  • Kế toán tổng hợp ($500 – $1200): kinh nghiệm 2 – 3 năm sẽ là yêu cầu của vị trí này, nó tương ứng với những người có khả năng bao quát, tổng hợp các hoạt động kế toán của doanh nghiệp cùng trình độ chuyên môn vững vàng có thể lập ra báo cáo tài chính từ việc phối hợp số liệu từ các bộ phận.
  • Kế toán trưởng ($1000 – $2000): đây là vị trí cao nhất trong phòng kế toán của doanh nghiệp, nhiệm vụ của họ là chỉ đạo và hướng dẫn công việc cho các kiểm toán viên và tham mưu cho ban lãnh đạo.
Cấp bậc thăng tiến của kế toán
Cấp bậc thăng tiến của kế toán

IV. Những mối quan hệ và văn bản về thuế hiện hành kế toán cần nắm

Trong công việc của mình, các kế toán sẽ cần phải nắm được những mối quan hệ trong và ngoài công ty, ngoài ra điều cần thiết hơn nữa là phải biết được những văn bản về thuế đang hiện hành.

1. Quan hệ nội bộ

  • Tất cả những nhân viên, phòng ban trong công ty.
  • Các đồng nghiệp trong phòng kế toán.

2. Quan hệ bên ngoài

Ngoài các mối quan hệ trong công ty thì kế toán sẽ thường phải có những mối quan hệ bên ngoài với các cá nhân, doanh nghiệp,cơ quan như:

  • Khách hàng
  • Nhà cung cấp
  • Doanh nghiệp đối tác
  • Kế toán của bên đối tác
  • Ngân hàng
  • Cục thuế
Kế toán cần có mối quan hệ với ngân hàng
Kế toán cần có mối quan hệ với ngân hàng

3. Các văn bản về thuế hiện hành

Để trở thành một người kế toán giỏi, yêu cầu bắt buộc bạn phải nắm vững chuyên môn. Ngoài ra, những văn bản thuế liên quan và các chuẩn mực kế toán bạn phải nắm rõ và liên tục cập nhật những văn bản bổ sung, sửa đổi của Nhà nước.

Một số văn bản về thuế hiện hành kế toán cần nắm được như sau:

  • Thông tư 156/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế
  • Thông tư 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế GTGT
  • Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN
  • Thông tư 78/2014/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNDN
  • Thông tư 119/2014/TT-BTC Sửa đổi một số Thông tư
  • Ngoài ra, kế toán cũng cần tham khảo các Nghị định hướng dẫn thực hiện và các Luật thuế

V. Cơ hội và khó khăn của nghề kế toán

Bạn có thể định hướng một cách rõ ràng về tương lai nghề nghiệp của mình đối với nghề kế toán, nghề này có tiềm năng phát triển rất lớn nếu bạn có sự cố gắng và muốn gắn bó với nghề. Kế toán viên có thể lựa chọn một trong 4 lính vực của ngành là kế toán, thuế, kiểm toán và quản lý. Mức lương trung bình của kế toán khá cao cho nên chỉ cần có sự chăm chỉ học hỏi, tiếp thu để có kinh nghiệm cùng trình độ chuyên môn vững vàng thì cơ hội phát triển của bạn là rất lớn.

Kế toán có nhiều cơ hội cũng như gặp phải không ít khó khăn
Kế toán có nhiều cơ hội cũng như gặp phải không ít khó khăn

Con đường thăng tiến và cơ hội lớn cũng sẽ kéo theo những thách thức và khó khăn không hề nhỏ đối với nghề kế toán. Với đặc thù của ngành nghề này thì đòi hỏi bạn cần phải có những kiến thức chuyên sâu nên bằng cấp kế toán là điều cần thiết và bắt buộc phải có. Không chỉ vậy, nghề kế toán sẽ phải tiếp xúc với những con số khô khan và nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp nên cũng sẽ tạo ra những áp lực lớn, bạn cần phải chuẩn bị cho bản thân một tâm lý vững vàng để có thể đối mặt được với công việc.

Trên đây là những thông tin tổng quan về nghề kế toán và các công việc của nghề kế toán. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc định hướng nghề nghiệp cũng như chuẩn bị tinh thần cho những công việc cần làm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *